Bệnh đái tháo đường trong thời gian mang thai
Bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) trong thời gian mang thai là thể bệnh xảy ra khi có thai, với tỷ lệ khoảng 4% tổng số phụ nữ có thai, thường bắt đầu vào tháng thứ 5 - 6 của thai nghén (giữa tuần lễ thứ 24 - 28). Trong hầu hết các trường hợp, bệnh qua đi sau khi đã sinh con. Mức đường huyết cao trong máu, có hại cho cả mẹ và thai. Khi bị bệnh ĐTĐ, cơ thể không thể sử dụng được đường (glucoza) trong máu cũng như mức đường huyết trở nên cao hơn bình thường.
Những yếu tố nguy cơ phát triển bệnh ĐTĐ trong thời gian mang thai:
- Béo phì: chỉ số khối lượng cơ thể (BMI) từ 30 trở lên.
- Tiền sử gia đình có bệnh ĐTĐ týp 2.
- Phụ nữ từ 35 tuổi trở lên mới có thai.
- Nếu lần trước đã sinh con to (khoảng từ 3,7-4,5kg).
- Có cao huyết áp.
- Có yếu tố chủng tộc: ví dụ người Mỹ gốc Tây Ban Nha, gốc Phi, thổ dân Mỹ, người dân ở Đông hay Nam Á, ở các đảo nhỏ ở Thái Bình Dương.
Việc chăm sóc trước sinh có ý nghĩa quan trọng với phụ nữ mang thai, nhất là với những phụ nữ đã có yếu tố nguy cơ bị bệnh ĐTĐ khi mang thai.
Bệnh ĐTĐ khi có thai cần được kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo sự an toàn, lành mạnh cho cả mẹ và con.
Nếu không được điều trị thì thai sẽ dễ có bệnh ngay khi sinh ra như có mức đường huyết thấp, vàng da hoặc có cân nặng hơn bình thường.
Sức khỏe của người mẹ cũng bị ảnh hưởng, có thể sinh khó hoặc phải mổ lấy thai nếu con quá to.
Người phụ nữ bị ĐTĐ khi có thai cần theo chế độ ăn do thầy thuốc yêu cầu chẳng hạn: kiêng đồ ngọt như: bánh ngọt, kẹo, kem... mà chỉ nên ăn những thứ có đường tự nhiên như hoa quả. Nếu thấy đói giữa các bữa ăn chính thì chỉ nên ăn hoa quả, cà rốt... đường có trong bánh mì, cơm, khoai tây và hoa quả tốt cho cả mẹ và con. Chế độ ăn cũng cần cân đối và mỗi bữa ăn, không nên ăn nhiều, chỉ vừa đủ cho sự tăng cân khi có thai, thầy thuốc sẽ có hướng dẫn cụ thể.
Ảnh: Gettyimages.com |
Xét nghiệm đường huyết đều đặn giúp cho thầy thuốc biết chế độ ăn và luyện tập có làm cho mức đường huyết ổn định không.
Phải mất vài tuần sau sinh thì bệnh ĐTĐ mới qua đi. Để biết chắc bệnh đã qua, sau sinh 1-2 tháng, thầy thuốc sẽ cho làm một xét nghiệm máu đặc biệt khác nữa. Ngay cả khi bệnh ĐTĐ đã lui sau sinh, việc vận động, theo dõi cân nặng và theo một chế độ ăn lành mạnh vẫn cần tiếp tục. Có như thế thì mới hy vọng không bị ĐTĐsau này.
Bệnh mụn giộp và thai nghén
Khi nào dễ bị nhiễm bệnh mụn giộp?
Khi hệ thống miễn dịch suy yếu, không thể chống đỡ có hiệu quả trước sự xâm nhập của virus. Khi hệ miễn dịch chưa trưởng thành: một số trường hợp, sự tiếp xúc với bệnh mụn giộp có thể đe dọa nghiêm trọng sức khỏe thai nhi và trẻ trong năm đầu tiên.
Lây nhiễm virus mụn giộp khi mang thai và khi sinh: những nguy cơ lây nhiễm cho mẹ phụ thuộc vào nhiều yếu tố: thời điểm người mẹ bị nhiễm virus lần đầu, tần suất các đợt bùng phát, người phụ nữ mang thai có biết mình đã nhiễm virus mụn giộp hay không vì có khi không thấy biểu hiện gì.
Nếu người phụ nữ tiếp xúc lần đầu với virus mụn giộp từ trước khi có thai: trong trường hợp này, nguy cơ thai bị nhiễm virus thực sự đáng ngại. Có thể hạn chế được nguy cơ nếu thầy thuốc sản khoa biết rõ tiền sử bệnh của cha mẹ, để có các biện pháp phòng ngừa và điều trị cần thiết ngay từ khi có thai và khi chuyển dạ. Cũng có khi cần chỉ định mổ lấy thai.
Nếu người phụ nữ tiếp xúc lần đầu với virus mụn giộp trong thời gian mang thai: dù rất hiếm nhưng trong trường hợp này thì nguy cơ lây nhiễm cho con khi chuyển dạ rất lớn và có thể nghiêm trọng cho trẻ sơ sinh. Cần nhận biết đợt bùng phát đầu tiên khi đang mang thai để báo cho thầy thuốc biết. Thực hành mọi biện pháp thận trọng khi sinh và trẻ sơ sinh có thể phải được điều trị ngay từ khi sinh ra.
Nếu không bao giờ có đợt bùng phát mụn giộp: cũng chưa thể loại trừ nguy cơ, vì một số người tuy đã bị nhiễm virus mụn giộp nhưng không bao giờ bộc lộ triệu chứng. Vẫn có những đợt virus phát tán nhưng không có dấu hiệu nào; dù không có triệu chứng nhưng nguy cơ lây nhiễm từ mẹ sang con vẫn có thể xảy ra. Trẻ sơ sinh có tổn thương của bệnh mụn giộp có nghĩa là mẹ đã bị mụn giộp sinh dục. Chẩn đoán trẻ sơ sinh bị bệnh mụn giộp được tiến hành rất nhanh và trẻ cần được điều trị ngay.
Làm thế nào để giảm nguy cơ lây nhiễm khi đang mang thai?
Nếu như đã có những đợt bùng phát bệnh mụn giộp ở vợ và chồng: cần để ý và báo cho thầy thuốc mọi hiện tượng đau dù ít ở cơ quan sinh dục (ngứa, cảm giác bỏng rát, nhoi nhói như kim châm, hay chỉ thấy khó chịu nhưng dễ tái diễn). Ngừng quan hệ tình dục trong thời gian có bùng phát, nhất là theo đường miệng nếu một trong 2 bạn tình có nốt ngứa nghi ngờ.
Nếu không bao giờ có đợt bùng phát ở cặp vợ chồng: nên nhớ rằng luôn có nguy cơ ngay dù 1 trong 2 người không bao giờ có biểu hiện bị mụn giộp sinh dục. Khi không có tiền sử và/hoặc không có dấu hiệu mụn giộp sinh dục cũng chưa thể yên tâm, vì ngày nay chưa có các phương tiện phát hiện bệnh có hiệu quả. Cách phòng ngừa duy nhất để ngăn chặn sự lây nhiễm virus có thể xảy ra là dùng bao cao su khi quan hệ tình dục trong 2 tháng cuối của thai nghén.
Cách nhận biết đợt bùng phát bệnh mụn giộp? Dù thai nghén ở giai đoạn nào mà thấy ngứa, bỏng rát, cảm giác nhoi nhói như kim châm ở vùng âm hộ và âm đạo cũng cần gặp bác sĩ. Vùng nhiễm khuẩn có màu đỏ, sau đó xuất hiện các mụn nước nhỏ tụ thành đám. Chính những mụn nước này chứa đầy virus khi vỡ ra sẽ tạo nên tổn thương hở, đôi khi rất đau. Sau khoảng 10 ngày mới lành sẹo, tạo thành vẩy và bong. Mọi dấu hiệu này có thể kèm theo với sốt, đau lưng, nhức đầu và đau bụng.
Khi có đợt bùng phát mới, khi có các tổn thương đau, dễ kích thích hay khi chỉ khó chịu ở cơ quan sinh dục cần gặp ngay thầy thuốc?
Giảm nguy cơ lây nhiễm cho trẻ sau khi sinh
Vài tháng đầu sau khi sinh, trẻ rất dễ bị bệnh vì hệ miễn dịch còn non trẻ, chưa có khả năng chống lại một số bệnh. Ở giai đoạn này, lây nhiễm virus mụn giộp có thể xảy ra khi người lớn bị chốc mép hôn hít trẻ và hậu quả có thể nghiêm trọng với trẻ. Khi trong tiền sử ở bố mẹ có mắc bệnh mụn giộp, cần báo cho thầy thuốc để có các biện pháp phòng ngừa đặc biệt cho trẻ.
Vệ sinh cho trẻ cần được tăng cường: tiếp xúc với trẻ phải rửa tay sạch, khăn, tã của trẻ phải để riêng, tuyệt đối không hôn hít trẻ khi có chốc mép. Gặp thầy thuốc ngay khi trẻ có những mụn nước trong trên da, khi mắt trẻ đỏ và khóc nhiều, bỏ bú, ngủ cả khi tắm hay khi ăn, dễ kích thích… Có khi sốt kéo dài và co giật.
Trẻ sơ sinh nhiễm HSV
Nhiễm HSV ở trẻ sơ sinh hiếm nhưng nghiêm trọng, do lây truyền dọc HSV (virus gây mụn giộp) từ mẹ sang con. Tỷ lệ trẻ sơ sinh bị nhiễm HSV từ mẹ khoảng 3,61 cho 100.000 trường hợp sinh ra sống ở Úc (tương tự ở Anh, nhưng thấp hơn nhiều ở Mỹ). Tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh nhiễm HSV cao (tới 25%) mặc dầu hiện nay đã có thuốc chống virus. Nguyên nhân tử vong ở trẻ sơ sinh là do HSV lan tràn khắp cơ thể và/hoặc do HSV gây viêm não.
BS. Đào Xuân Dũng